MENU BAR

2/12/16

6 điều hoàn hảo giúp bạn làm việc hăng say

Công việc là nơi bạn bỏ ra ít nhất 8 giờ vàng ngọc của bản thân mỗi ngày để lao động, tạo ra các giá trị khác nhau. Trong quá trình tương tác, cọ sát với các đổng nghiệp, khách hàng… có thể nảy sinh nhiều vấn đề làm bạn mất cảm hứng hoặc chán nản công việc. Vậy thì điều gì sẽ giúp bạn lấy lại cân bằng? 6 điều hoàn hảo sau đây chính là chìa khóa để bạn giải quyết vấn đề trên.
6 điều hoàn hảo này trong đạo Phật gọi là Lục độ.
Điều hoàn hảo thứ nhất: Bố thí

Bố thí hiểu một cách đầy đủ là sự giúp đỡ người khác, chứ không đơn thuần là hành động cầm một món đồ nào đó trao tặng cho một ai đó. Cho nên bất kỳ một doanh nghiệp, một ngân hàng, một tổ chức nào,… cũng đều có thể giúp đỡ và đóng góp cho xã hội bằng cách tạo ra những sản phẩm tốt, dịch vụ tốt. Làm việc gì với cái Tâm như vậy tức là đang thực hành bố thí.

Trong cơ quan, công sở, bố thí được biểu hiện bằng hành động cụ thể khi đồng nghiệp có bố mẹ đau ốm, con đi viện,… Nếu muốn giúp họ, bạn phải đảm nhận công việc gấp đôi và bạn sẵn sàng làm điều đó, chính là bố thí. 

Hiểu bố thí ở góc độ như vậy, bạn đã có rất nhiều đối tượng để giúp đỡ như đối tác, khách hàng, đồng nghiệp, cổ đông,…

Điều hoàn hảo thứ hai: Trì giới

Trì giới là chúng ta không mắc vào những điều xấu khi làm việc, không cố ý làm điều xấu và tìm cách để mình không phạm phải những điều sai lầm. Để trì giới được phải có hiểu biết đúng đắn và tìm ra được những giải pháp khéo léo để không gây tổn thương hoặc làm ảnh hưởng đến mình và người khác.

Do đó, công việc là chỗ khó khăn nhất để thực hành trì giới, bởi vì trong quá trình làm việc sẽ có rất nhiều cám dỗ xảy ra với bạn, ví dụ như báo cáo sai để lấy thành tích, hoặc nói dối ốm để xin nghỉ làm việc bên ngoài,…

Nếu bạn thực hành trì giới tốt, bạn còn có thể phát hiện ra chỗ sai và có phương pháp sửa chữa hợp lý, có ích. Do vậy, trì giới còn đòi hỏi sự dũng cảm và cố gắng.

Điều hoàn hảo thứ ba: Nhẫn nhục

Nhẫn nhục ở đây được hiểu là chịu đựng khó khăn và kiên định vượt qua khó khăn, chứ không phải là chịu nhục. Khó khăn có thể đến từ nhiều phía như từ người khác, từ hoàn cảnh, từ chính bản thân bạn,… và chúng ta chấp nhận khó khăn.

Cụ thể hơn, trong công việc, bạn bị đồng nghiệp nói xấu nhưng không phản ứng lại mà cố gắng làm việc tốt hơn và vượt qua nỗi buồn. Nói rộng hơn, bạn gặp khó khăn, bị người khác nói xấu, cản trở, phá hoại, bạn vẫn không bỏ cuộc và làm đến cùng điều tốt.

Điều hoàn hảo thứ tư: Tinh tấn

Tinh tấn là sự chăm chỉ, cố gắng làm việc để đạt kết quả. Để tinh tấn được, bạn phải kiên trì, giữ vững tinh thần cho đến khi gặp kết quả. 

Điều hoàn hảo thứ năm: Tập trung

Tập trung chính là sự toàn tâm toàn ý cho công việc và không bị phân tán. Ví dụ, bạn đang làm một công việc mà nhiều người nói là không đi đến đâu, hoặc bạn đang làm việc mà xung quanh có nhiều tiếng ồn, bạn vẫn tập trung được. 

Đọc đến đây, chắc sẽ có người thắc mắc là giữa “Bố thí” và “Tập trung” có mâu thuẫn vì một bên mình cần giúp đồng nghiệp, một bên mình lại cần tập trung để hoàn thành công việc. Câu trả lời là: Khi bạn giúp người khác, bạn tự hỏi: “Liệu có kết quả không?”. Lúc đó tùy hoàn cảnh, trí tuệ của bạn sẽ phát sinh và sẽ có lựa chọn phù hợp. Đó cũng là điều hoàn hảo thứ 6.  

Điều hoàn hảo thứ sáu: Trí tuệ

Trí tuệ là khả năng có được sự lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh nhất. Nếu không có trí tuệ thì khó mà tập trung, dễ phân tán và khó chăm chỉ. Rèn luyện trí tuệ để hiểu trong hoàn cảnh nào thì nên làm điều gì là tốt nhất cho các bên.

Ví dụ trong một tình huống, có một ông sếp mắng nhân viên rất nặng lời khiến người ngoài nhìn qua nghĩ ông sếp quá đáng. Nhưng thực tế là ông sếp đã nói nhẹ với cô nhân viên nhiều lần rồi không được, nên ông ấy mắng cô ấy mới sửa được. Ông sếp chọn cách làm như vậy để giúp cô nhân viên tiến bộ.

Trong 6 điều hoàn hảo nói trên, ai trong chúng ta cũng đều làm được. Thực hành trong tâm mình là quan trọng nhất chứ không phải thể hiện ra bên ngoài. Khi tâm bạn có cả 6 điều này thì công việc có kết quả tốt, tinh thần thoải mái và giúp đỡ được những người khác. 

Đọc thêm:

Tu trong công việc là gì


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét