Quá trình tìm kiếm, chọn lọc nơi chốn cư ngụ của con người nhằm đảm bảo sinh tồn đã hình thành nên khoa học Phong Thủy trên cơ sở triết học và những khoa học liên quan khác nhau như thiên văn học, địa lý, xây dựng, mỹ thuật… một cách hệ thống và duy vật biện chứng.
Trong môi trường thiên nhiên, các hướng đều không thay đổi và khi đặt la bàn, khi xem bản đồ ta đều dễ dàng tìm ra hướng Bắc-Nam và từ đó suy ra các hướng khác. Sở dĩ bà con thấy lẫn lộn về cách gọi các hướng tốt xấu là vì có nhiều quan điểm khác nhau và thiếu giải thích rõ ràng.
Bốn phương tám hướng mà chúng ta biết (Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông-Bắc, Tây-Nam, Tây-Bắc, Đông-Nam) đều có các đặc tính riêng tùy theo tiêu chí xem xét. Có 4 tiêu chí sau để xem xét tốt xấu cho phương hướng:
- Tốt xấu theo hướng Khí Hậu: ví dụ như hướng Nam và lân cận Nam (Đông-Nam và Tây-Nam) là những hướng tốt bởi có gió mát và ánh sáng ổn định, không khí ấm áp. Trong khi hướng Tây, Tây-Bắc thì nắng gắt nóng vào buổi chiều, hướng Đông thì chói vào buổi sáng và chịu thêm gió lạnh từ hướng Đông-Bắc.
Do vậy đa phần các ngôi nhà truyền thống của cha ông ta đều quay cửa chính về hướng Nam. Bản thân một công trình kiến trúc nếu không được chọn hướng khí hậu phù hợp thì tuổi thọ công trình sẽ giảm, tác động xấu đến người cư ngụ.
- Tốt xấu theo hướng Mệnh Trạch: theo Dịch học phương Đông, căn cứ năm sinh (âm lịch) thì mỗi người (chia theo nam và nữ) sẽ có Mệnh Cung tương ứng với 8 hướng trong tự nhiên theo 8 quẻ của bát quái phân thành hai nhóm là nhóm Đông Tứ Mệnh và Tây Tứ Mệnh.
Có thể tham khảo các sách về Dịch học và văn hóa truyền thống phương Đông để dễ dàng tìm ta Cung Mệnh của mỗi người tương ứng với các phương hướng Cát Hung theo thuyết Mệnh Trạch tương phối.
- Tốt xấu theo hướng Phương Vị: là hướng của một vùng, một vật (hay người) ta xét so với một điểm gốc nào đó. Ví dụ, quận 4 nằm về hướng Nam so với chợ Bến Thành nhưng lại là hướng Bắc so với khu Phú Mỹ Hưng.
Hướng phương vị cũng như hướng Mệnh Trạch là để bố trí, xếp đặt các không gian vào vị trí thích hợp theo Cát Hung của mỗi người. Cũng chính từ điểm gốc, nơi chủ thể Tọa và quay mặt nhìn về một hướng thì chung quanh vị trí ấy sẽ xác định được bên nào là trái bên nào là phải, đâu là trước đâu là sau, từ đó đề xuất ra giải pháp thích ứng.
Ví dụ như nói “trước mặt phải thoáng đãng, sau lưng phải có chỗ dựa, Sơn Hoàn Thủy Bao tất Hữu Khí” là ý nói đến trước mặt và sau lưng của một chủ thể ta xét.Ta quay về đâu thì trước sau phải trái thay đổi theo.
Vì thế, trên một đoạn đường có các ngôi nhà cùng nhìn về một hướng nhưng đoạn thấy tốt đoạn thấy xấu vì hoàn cảnh trước- sau-trái-phải của các phương vị đó khác nhau.
- Tốt xấu theo hướng Giao Tiếp: ngoài việc đối phó với môi trường thiên nhiên, con người cũng phải ứng xử với xã hội. Do đó ngôi nhà phải quay mặt (hoặc cửa, lối vào) ra những vị trí thuận lợi cho việc đi lại, giao tiếp, buôn bán.
Nhất Cận Thị, Nhị Cận Giang, Tam Cận Lộ là vậy. Có những ngôi nhà được hướng Khí Hậu, Mệnh Trạch rất tốt nhưng nằm trong hẻm quá nhỏ, ra vào khó khăn, hoặc nằm bên đường xa lộ cao tốc không thể rẽ vào được thì hướng Giao Tiếp cũng bị xấu đi.
Hoặc một người ngồi làm việc theo hướng Mệnh Trạch hợp, nhưng nếu ngồi vậy có thể bị quay lưng ra cửa, úp mặt vào tường… giao tiếp khó khăn thì cần phải xem xét lại.
Chọn hướng trên cơ sở phân tích và tổng hợp
Trong 4 tiêu chí nêu trên thì 2 tiêu chí hợp Mệnh Trạch và Phương Vị thuộc về phần chủ quan. Khi chủ thể thay đổi thì sự tốt xấu cũng thay đổi. Vì vậy không thể nói một miếng đất hay ngôi nhà nào đó là thật tốt hay thật xấu về Phong Thủy được, vì có thể tốt với chủ nhân này mà không tốt với chủ nhân khác.
Còn 2 tiêu chí hướng Khí Hậu và Giao Tiếp thuộc về phần khách quan, vốn sẵn có trong môi trường, nhưng phải chọn lựa tùy tính chất cư trú chứ không thể mọi nhà trong đô thị đều quay về hướng Nam được.
Nếu chỉ căn cứ theo hướng khí hậu tốt thì người ta đã đổ xô đi làm nhà ở các vùng ven biển có nắng gió mát mẻ rồi, nhưng như ta biết những chỗ này chỉ thích hợp cho nghỉ dưỡng ngắn hạn mà thôi.
Như vậy khi ta xem xét một ngôi nhà có hài hòa (hay nói nôm na là có hợp hay không) về mặt Phong Thủy đối với một người nào đó, ta phải xem xét trên cơ sở phân tích và tổng hợp nhiều mặt, chứ không đơn giản là “thầy nói hợp hướng Đông-Bắc” thì cố tìm bằng được nhà huớng Đông-Bắc, xem nhẹ các yếu tố Khí Hậu, Giao Tiếp và Phương Vị.
Phân tích trước tiên xem 4 tiêu chí đạt được bao nhiêu phần, khả năng khắc phục nhiều hay ít, có ảnh hưởng gì đến môi trường, con ngưởi, kết cấu ngôi nhà không.
Phân tích theo hướng Mệnh Trạch mỗi người đều có đến 4 hướng Cát và 4 hướng Hung, vì thế dễ dàng linh hoạt điều chỉnh để hướng Mệnh Trạch phối hợp tốt với hướng Giao Tiếp và hướng Khí Hậu.
Phân tích theo hướng phương vị, nếu hoàn cảnh chung quanh trước sau không thuận tiện thì có thể xoay hướng nhìn (chỉnh cửa, xoay phòng, đảo bếp) sang các vị trí thuận tiện hơn mà vẫn tuân thủ các hướng kia, rồi trồng cây cao phía sau làm chỗ dựa, để thoáng phía trước để đón gió đón khách ..
Hướng Khí Hậu vốn không thay đổi, nên khi chọn nhà hợp Mệnh mà gặp hướng nắng gắt (Tây) thì vẫn có thể dùng kết cấu khung lam bao che, ngăn bớt bức xạ, mở cửa đón gió ở các hướng tốt hơn .
Thậm chí nhà phố hướng Tây chưa chắc đã nóng vì mặt tiếp xúc hướng Tây chỉ khoảng 4-5m có thể dùng lam, trồng cây che chắn còn mặt hông dài được hướng Nam nếu khéo mở giếng trời hoặc cửa sổ trên cao thì vẫn rất mát.
Tổng hợp các yếu tố về bản thân con người và môi trường người đó cư ngụ, ta sẽ có được giải pháp chọn lựa hướng nhà sao cho phù hợp nhất, tránh những quan điểm duy tâm mơ hồ hoặc định kiến sai lệch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét