MENU BAR

13/2/17

Biến cảm xúc tiêu cực thành động lực thành công

Khi cảm xúc tiêu cực xuất hiện, hãy lắng nghe thông điệp của nó và xử lý ngay. Khi bạn đã nhận được thông điệp đó, hãy thoát khỏi cảm xúc tiêu cực để không bị ám ảnh về nó nữa. Sau đây là bốn bước thực hiện:

Bước 1: Tôn trọng cảm xúc
Bất cứ khi nào rơi vào trạng thái cảm xúc tiêu cực, hãy tự nhủ lòng, “cảm xúc này mang lại lợi ích cho mình, chứ không làm chủ mình!”. Tôn trọng cảm xúc bởi mục đích tích cực của nó là giúp bạn thành công. Điều quan trọng là bạn không cảm thấy tồi tệ về việc có những cảm xúc không mấy tích cực lắm này.
Bước 2: Lắng nghe thông điệp
Bước thứ hai là xác định nội dung thông điệp mà cảm xúc này mang lại. Cảm xúc hiện diện để báo hiệu cho bạn cần phải thay đổi quan điểm và hành vi, chứ không nhằm mục đích trừng phạt bạn.
Ví dụ, sự sợ hãi xuất hiện khi bạn đối mặt với thử thách hoặc một điều gì không biết trước. Sợ hãi là một cảm xúc báo hiệu cho ta biết mình cần “chuẩn bị tốt hơn”. Cảm xúc này phát ra thông điệp rằng chúng ta cần học hỏi thêm, rèn luyện kỹ năng và chuẩn bị nguồn lực để thành công khi đương đầu với thử thách trước mắt. Đó chẳng phải là một thông điệp hữu ích hay sao?
Hay một cảm xúc tiêu cực thường gặp khác là “thất vọng”. Thất vọng là cảm xúc khi ta không đạt kết quả mong muốn, dù đã nỗ lực nhiều lần. Đa số mọi người để cho tâm trạng thất vọng chiếm lĩnh đến nỗi giận dữ và từ bỏ. Tuy nhiên, bạn cần ý thức rằng thất vọng hiện diện nhằm chuyển tải đến ta một thông điệp với mục đích tốt đẹp. Khi chúng ta cảm thấy thất vọng, nghĩa là ta phải thay đổi phương pháp. Ta phải làm khác đi để gặt hái kết quả mong muốn.
Bước 3: Thay đổi trạng thái cảm xúc
Một khi bạn đã hiểu đúng thông điệp, hãy thoát ra khỏi vòng xoáy tiêu cực của cảm xúc đó, để không bao giờ cảm thấy tồi tệ về nó nữa, bởi trách nhiệm của nó đã xong.
Luôn nhớ rằng chúng ta là người tạo ra cảm xúc của chính mình. Chúng ta hoàn toàn có khả năng thay đổi cảm xúc bất cứ khi nào ta muốn.
Để bước vào cảm xúc tích cực hơn, hãy hướng sự tập trung suy nghĩ của bạn vào chỗ khác. Nhắm mắt và tưởng tượng bạn đang hành động để đạt kết quả mong muốn. Hình dung thành quả trong tâm trí một cách sống động bằng cách vẽ ra những hình ảnh cụ thể, rực rỡ, to lớn. Bạn càng mường tượng cảnh mình gặt hái được thành quả rõ nét bao nhiêu thì những cảm xúc tích cực càng trở nên mạnh mẽ bấy nhiêu.
Bạn còn có thể thay đổi trạng thái cảm xúc của mình ngay lập tức bằng cách thay đổi trạng thái cơ thể. Nếu bạn cảm thấy nản lòng thối chí, hãy đứng thẳng dậy và ưỡn ngực ra. Vỗ tay thật kêu, hít một hơi thật sâu và hô to: “Phải làm được!”. Một khi bạn đã thay đổi tư thế, hơi thở, cử chỉ, nét mặt và cả giọng nói thì dù bạn đang ủ rũ đến mức nào đi nữa, tâm trạng của bạn sẽ thay đổi theo. Đây chính là sức mạnh của NLP (Lập trình ngôn ngữ tư duy).
Bước 4: Hành động
Bước cuối cùng và cũng là bước quan trọng nhất, đó là hành động dựa trên thông điệp mà cảm xúc gửi gắm đến bạn. Nếu bạn cảm thấy sợ hãi, hãy đầu tư công sức vào việc chuẩn bị. Nếu bạn giận dữ, hãy tìm cách khắc phục vấn đề. Nếu bạn cảm thấy mình tệ hại, hãy học hỏi những người đang làm tốt hơn bạn và nâng những tiêu chuẩn cá nhân lên. Khi bạn bắt tay vào thực hiện và gặt hái thành quả, bạn sẽ tăng cường những cảm xúc tích cực mang đến cho bạn nguồn động lực, sự tự tin và khả năng tập trung.
Chỉ với những công cụ đơn giản mà hiệu nghiệm này, bạn có thể yên tâm rằng cảm xúc sẽ tiếp tục phục tùng bạn, chứ bạn không bao giờ trở thành nô lệ của cảm xúc cả.

Xem thêm:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét