Từ ngôi sao hy vọng của nước Mỹ, vaccine bại liệt chứa virus sống đã trở thành thảm họa, khiến hàng chục nghìn người mắc bệnh hoặc tử vong.
Bệnh bại liệt đã bị xóa sổ 99,9%. Virus này chỉ còn tồn tại trong số ít cộng đồng nghèo nhất và bị thiệt thòi nhất thế giới.
Theo Liên minh Toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (GAVI), sự ra đời vaccine ngừa bại liệt là dấu mốc đặc biệt của nước Mỹ. Thử nghiệm lâm sàng khổng lồ năm 1954 cho thấy mũi tiêm do nhà khoa học Jonas Salk sáng chế đã mang tới khả năng bảo vệ 80-90% chống lại bệnh bại liệt. Vaccine cũng được cho là an toàn với người tiêm chủng.
Nó vốn dựa trên công thức virus bất hoạt do nhà nghiên cứu Jonas Salk tìm ra. Chính vì thế, nó được ngợi ca rất nhiều, kỳ vọng là “thần hộ mệnh” cứu hàng triệu trẻ em khỏi bị bại liệt, tử vong. Nhưng thành công của vaccine bại liệt do Salk điều chế lại khởi đầu bằng sự kiện mà như GAVI nhận định là "bước ngoặt kinh hoàng".
|
Lọ vaccine bại liệt do phòng thí nghiệm Cutter sản xuất năm 1954 |
Bức điện khẩn
Theo Reuters, ngày 12/4/1955, Chính phủ Mỹ đã cấp phép vaccine đầu tiên ngừa bệnh bại liệt ở trẻ em. Ngay lập tức, vaccine này "cháy hàng", bị nâng giá chóng mặt. Từ một mũi tiêm có giá chỉ 2 USD, nhiều gia đình phải bỏ ra 21 USD cho loạt ba mũi tiêm, tương đương gần 200 USD ngày nay.
10h30 ngày 27/4/1955, một bức điện được gửi từ văn phòng của Phòng thí nghiệm Cutter tới tất cả cơ sở y tế, cửa hàng thuốc khắp nước Mỹ. Nó có nội dung khẩn cấp: "Không được tiêm vaccine bại liệt cho bất kỳ ai. Hãy gọi điện cho bác sĩ tư vấn ngay nếu bạn đã tiêm vaccine này".
Vào thời điểm bức điện được gửi đi, 380.000 liều vaccine bại liệt đã được sử dụng, gồm 220.000 trẻ em.
Susan Pierce, 7 tuổi, ở Pocatello, Idaho, tiêm vaccine ngày 27/4/1955. Em đã chết vì bệnh bại liệt vài ngày sau khi tiêm. Trước khi qua đời, bệnh nhi phải thở bằng lá phổi bằng sắt. Anh trai của em, Kenneth cũng tiêm vaccine từ phòng thí nghiệm Cutter, nhưng may mắn thoát chết.
Nhưng đó cho phải tất cả nạn nhân của sự cố. GS Alton Ochsner, Trường Y Tulane, người sáng lập Phòng khám Ochsner ở New Orleans, đã tiêm vaccine cho cháu trai Eugene Davis. Khoảng một tuần sau, ngày 4/5/1955, đứa trẻ qua đời.
|
Martha Ann Murray, 2 tháng tuổi, được y tá Martha Sumner chăm sóc tại Bệnh viện St. Mary ở Tucson vào năm 1952. Bé phải sống nhờ "lá phổi sắt" từ khi vừa chào đời. |
Không chỉ một số người được tiêm vaccine bị bệnh, họ còn lây cho nhiều thành viên khác trong nhà, hàng xóm. Ngày 5/6/1955, Annabelle Nelson, 33 tuổi ở Montpelier, Idaho, chết vì bệnh bại liệt sau khi hai đứa con của cô được tiêm vaccine.
Chính phủ Mỹ đã ra lệnh thu hồi vaccine nhưng thiệt hại lớn vẫn xảy ra. Khoảng 40.000 trẻ mắc bại liệt mặc dù đã tiêm vaccine, triệu chứng gồm sốt, đau họng, nhức đầu, buồn nôn, đau cơ. Ngoài ra, 164 trẻ bị liệt nghiêm trọng, nằm bất động một chỗ vĩnh viễn do tác hại của vaccine. Thậm chí, 10 trẻ em đã thiệt mạng.
Sự kiện ngay lập tức khiến giới khoa học và người dân nước Mỹ sợ hãi. Số ca mắc nhanh chóng lan tăng lên tạo thành một đợt bùng phát dịch bại liệt trên khắp nước Mỹ. Các nhà điều tra xác định vaccine đã bị nhiễm virus bại liệt còn sống từ phòng thí nghiệm Cutter.
Năm 2005, Giám đốc Trung tâm Giáo dục về Vaccine của Bệnh viện Nhi Philadelphia, Paul A. Offit, viết cuốn sách về sự cố phòng thí nghiệm Cutter và đánh giá đây là “thảm họa sinh học tồi tệ nhất lịch sử nước Mỹ - dịch bệnh bại liệt do chính con người tạo ra”. Vị chuyên gia nhấn mạnh sức tàn phá của đợt dịch thậm chí chỉ đứng sau bom nguyên tử - thứ người Mỹ sợ hãi nhất.
Nhưng cách đó vài tháng, một nhà khoa học đã phát hiện điều bất thường trong lô vaccine bại liệt đầu tiên chuẩn bị tiêm cho người dân.
|
Hình ảnh của khoa Bại liệt, Bệnh viện Haynes Memorial ở Boston, vào năm 1955. Đây là nơi các bệnh nhân phải hô hấp bằng phổi nhân tạo - "lá phổi sắt" |
Sai lầm nhỏ gây hậu quả lớn
Virus bại liệt polio (poliovirus) thuộc chi virus đường ruột (enterovirus). Nó bùng phát tại Mỹ từ cuối những năm 1940. Hầu hết người Mỹ khi đó không biết rõ về loại virus này nhưng họ rất lo sợ vì số ca mắc đã lên tới hàng trăm nghìn người mỗi năm, khoảng 35.000 bệnh nhân bị liệt tứ chi.
Năm 1951, Jonas Salk, nhà nghiên cứu y sinh tại Đại học Pittsburgh, đã nhận khoản tài trợ để tìm ra loại vaccine chống lại căn bệnh này. Trong nhiều tháng, ông đã thử nghiệm tiêu diệt virus bại liệt sống bằng formadehyde cho đến khi nó không lây nhiễm nhưng vẫn cung cấp kháng thể chống lại virus.
Khi các xét nghiệm cho thấy vaccine chứa formadehyde an toàn, Salk vui mừng thông báo với vợ. Lời đồn về loại vaccine giúp chấm dứt đại dịch nhanh chóng lan xa. Công chúng kỳ vọng nhà khoa học phải sớm điều chế ra vaccine ngừa bại liệt càng sớm càng tốt.
Trước áp lực đó, năm 1953, Salk đã thử nghiệm nó trên chính mình, vợ và ba đứa con. Kết quả thành công. Sau đó, ông chuyển giao công nghệ vaccine bại liệt bằng virus bất hoạt cho đơn vị tài trợ. Phòng thí nghiệm Cutter (Cutter Laboratories) là đơn vị phát triển tiếp và sản xuất lô vaccine đầu tiên.
Trước khi lô vaccine bại liệt đầu tiên được cấp phép và đem ra sử dụng, nó đã được nhà khoa học E.Eddy, Viện Y tế Quốc gia Mỹ, phát hiện điểm bất thường vào ngày 30/8/1954, khi bà kiểm tra lô vaccine bại liệt mới. Đây được xem là lô vaccine ngừa bại liệt đầu tiên của Mỹ cho trẻ em.
Theo Washington Post, bà đã dành 3 tháng để tìm hiểu. Đến tháng 11/1954, Eddy phát hiện loại vaccine được thiết kế thay vì chứa virus bất hoạt, nó chứa virus sống, vẫn còn khả năng lây nhiễm. Nhà khoa học biết có gì đó không đúng và nói với một người bạn: “Sẽ có một thảm họa”.
Trong cuốn sách của mình, ông Paul A. Offit viết nữ nhà khoa học đã báo cáo phát hiện của mình cho William Workman, Giám đốc Phòng thí nghiệm Kiểm soát Sinh học, Viện Y tế Quốc gia. Nhưng giữa sự hỗn loạn về khoa học và kỳ vọng của công chúng, Workman đã quyết định lờ đi, không thông báo điều này với Ủy ban cấp phép vaccine. Và thảm họa đã xảy ra.
Theo tài liệu của Thư viện Y học Quốc gia Mỹ, kết quả kiểm tra cho thấy Cutter Laboratories áp dụng sai phương pháp bất hoạt virus. Virus không bị ức chế đủ nên chưa bất hoạt trong hơn 100.000 liều. 16 lô vaccine được đưa đi thử nghiệm lại. 6 lô sản xuất đầu tiên dương tính với virus bại liệt sống.
Sau đó, Viện Y tế quốc gia và dịch vụ y tế công cộng phải ban hành quy chuẩn tối thiểu về an toàn và năng lực trong sản xuất vaccine bại liệt. Một ủy ban kỹ thuật được thành lập phụ trách thử nghiệm và xem xét các lô vaccine bại liệt rồi đề xuất Dịch vụ Y tế Công cộng lưu hành.
Trong bài phân tích trên tạp chí Science cuối tháng 5/1957, TS Paul Meier, Đại học Johns Hopkins, cho hay Chính phủ Mỹ đã phê duyệt kết quả thử nghiệm vaccine bại liệt Salk mà không mảy may nghi ngờ, quy trình giám sát sản xuất vaccine không đầy đủ, thậm chí nhà sản xuất không công bố dữ liệu an toàn.
Sự cố khiến việc sản xuất vaccine bại liệt bị trì hoãn. Song, ngay từ năm 1957, số ca mắc bại liệt của Mỹ đã giảm 90%, còn 5.485 bệnh nhân so với đỉnh dịch. Cuối những năm 1960, số người mắc bại liệt chỉ còn dưới 50.
Năm 1962, nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Ba Lan Albert Sabin phát triển vaccine bại liệt dạng uống và giúp giảm đáng kể số ca mắc. Uớc tính khoảng 18 triệu người đã được cứu khỏi bại liệt bằng vaccine của Salk và loại ra mắt sau đó (do Alber Sabin tìm ra).
Ngày nay, số ca mắc bại liệt mỗi năm rất nhỏ. Ông Jonas Salk vẫn được trao Huân chương tự do vào năm 1977.
Nhưng kinh nghiệm xương máu từ quá khứ đã khiến các quy trình phê duyệt tại tất cả quốc gia và tài liệu của WHO đều rất nghiêm ngặt. Việc phê duyệt vaccine được xem xét dựa trên những dữ liệu khoa học và thận trọng. Do đó, quyết định phê duyệt hay không phải căn cứ trên những báo cáo lâm sàng cả 3 pha.